Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Muốn khám cho bệnh nhân cũng phải xin phép

"Khách hàng là thượng tế, họ mang tiền đến cho mình, vì sao lại quát họ. Không thể có chuyện cứ mãi quát tháo người bệnh, lơ là, phớt lờ lời người bệnh hỏi. Phải tiến tới, khi khám cho người bệnh, muốn vén cái áo khám cũng phải xin lỗi họ trước...".


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thi Kim Tiến nhấn mạnh tại buổi tập huấn đầu tiên về giao tiếp, ứng xử cho nhân viên y tế của hơn 70 bệnh viện tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận diễn ra ngày 27/3 ở Hà Nội .

"Người bệnh là thượng đế"!

Theo bà Tiến, để tiến tới không còn vấn nạn phong bì, giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh ngày càng cởi mở hơn, phải bắt nguồn từ hai phía, gồm cả phía bệnh viện và người bệnh.

"Bệnh viện đông, quá tải, nhiều người ngại xếp hàng muốn khám trước cứ nhét tiền vào sổ khám bệnh. Khi được chăm sóc, tiêm truyền, người bệnh cứ nhét tiền vào túi điều dưỡng chứ họ có đòi hỏi đâu. Buồng bệnh có 6 người thì 3 ông nhét tiến vào túi điều dưỡng thì đương nhiên lúc tiêm, lúc thay băng người ta vui vẻ hơn...", bà Tiến chia sẻ về thực trạng mà bà từng chứng kiến.

Vì thế, để chấn chỉnh điều này, ngoài việc bệnh viện sẽ kí cam kết không nhận phong bì thì người bệnh cũng phải kí cam kết không đưa phong bì trước, trong quá trình khám bệnh, còn sau đó lại là vấn đề khác.

"Trong miền Nam, bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi và nói "nếu bác sĩ không nhận quà thì bệnh của tôi không khỏi được". Quà này là quà nghĩa tình. Quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của họ với người thầy thuốc. Vì thế, không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích.

Sự ân cần trong thăm khám của người bác sĩ mang đến sự thoải mái người bệnh nhân. Ảnh: H.Hải

Sự ân cần trong thăm khám của người bác sĩ mang đến sự thoải mái người bệnh nhân. Ảnh: H.Hải

Sẽ tập huấn lại cho tất cả bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ chữa bệnh đến người gác cổng, bảo vệ. Người đứng đầu ngành y tế này cho rằng, cần phải thay đổi cách nhìn giữa bác sĩ - bệnh nhân như hiện nay. "Thực tế, khác hàng là thượng đế, họ mang tiền đến cho mình tại sao quát họ. Tôi kiên quyết, ai mà tỏ thái độ không tốt với người bệnh cần phải xử lý, chuyển công tác, giảm lương. Trước kia còn làm công tác quản lý ở viện, tôi đã từng xử lý ca vi phạm đạo đức nghề nghiệp dù cả hội đồng bảo tha thứ một lần. Nhưng tôi vẫn kiên quyết, không làm nghiêm không được, làm nghiêm cái sẽ thay đổi ngay", bà Tiến nói.

Cùng có quan điểm "người bệnh là thượng đế", GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương cũng khẳng định: "Phải xác định bệnh nhân nuôi sống chúng ta. Đó là sự thật. Tôi vẫn nói với nhân viên của mình, chưa bao giờ tôi mang tiền nhà đến trả lương các bạn. Vì thế, các bạn đừng cảm ơn tôi. Sẽ không có việc tôi mang tiền nhà đến trả lương. Dù Bộ Y tế có hỗ trợ, nhưng chưa được 50% chi phí cho bệnh viện. Nguồn để nuôi sống chúng ta chính là người bệnh. Bệnh nhân đến đây, mua dịch vụ của chúng ta, họ trả tiền. Rõ ràng, có nhiều bệnh nhân tăng lên thu nhập. Có bệnh nhân, chúng ta vừa được "miếng" vừa được "tiếng" chữa bệnh giỏi. Vì thế, không có lý do gì để giải thích cho thái độ, hành vi quát mắng bệnh nhân".

Học cười, học nói lời xin lỗi...

Là người quản lý, là bác sĩ trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân mấy chục năm nay, được quan sát rất nhiều trong môi trường bệnh viện, GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng phải thừa nhận: "Thiếu nụ cười với người bệnh quá. Chỉ một nụ nười thôi mà khó khăn quá, thiếu quá".


GS Trí cho rằng, khi người bệnh biết mình bị bệnh, nhất là bệnh nan y, bản thân họ cũng như người thân thực sự sụp đổ, đau khổ, đã không có lời động viên được thì cũng đừng có xả mắng họ. Nó là phẩm chất, là nhân cách của chính chúng ta. Vì thế, cái lợi trước mắt khi giao tiếp tốt với người bệnh, đó sẽ thể hiện anh là một con người tốt.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để cải thiện vấn đề y đức, giao tiếp cần thực hiện từ bác sĩ, điều dưỡng đến người gác cổng, đặc biệt tập trung vào nhóm điều dưỡng bởi họ là người giao tiếp trực tiếp với bệnh nhân nhiều nhất, chiếm đến 60% nhân lực bệnh viện.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, muốn nâng cao y đức trong ngành y trước hết phải bắt đầu từ đội ngũ điều dưỡng, bởi hơn 60% người bệnh khi vào viện thường tiếp xúc trực tiếp với điều dưỡng đầu tiên và suốt quá trình điều trị. Vì thế, phải tuyên truyền, tập huấn để người điều dưỡng hiểu hơn nữa về văn hóa phục vụ, tôn trọng bệnh nhân, thiết lập mối quan hệ điều dưỡng - bệnh nhân tốt hơn để hướng tới hình ảnh người điều dưỡng thân thiện.

"Cũng một phần do áp lực công việc, người điều dưỡng đang phải hành nghề trong môi trường khó khăn, lẽ ra chỉ chăm 8 - 10 bệnh nhân mà nay phải chăm vài chục người nên họ mới chỉ làm nghề, mà chưa để ý nhiều đến tâm trạng. Trong đợt tập huấn này, chúng tôi đã xây dựng kỹ những hành vi cụ thể. Như vấn đề chào hỏi, cảm ơn bệnh nhân, nói chuyện với bệnh nhân. Nhờ bệnh nhân mà mình được hành nghề, nguồn tài chính cho bệnh viện được tăng thêm, thêm thu nhập... vậy tại sao mình không thể nói cảm ơn bệnh nhân. Chắc chắn tiến đến phải thực hiện bằng được nhân viên y tế nói lời cảm ơn bệnh nhân, chỉ là sớm hay muộn", ông Mục khẳng định.

Vì thế, ông Trí rất tâm đắc với nội dung các hành vi cần thực hành tốt của cán bộ nhân viên y tế được tập huấn trong lần này. Ông Trí cho rằng, cả30 hành vi cần điều chỉnh đều rất thiết thực bởi có những cái mình đang thiếu, có cái mình đang yếu. "Rõ ràng, thiếu nụ cười với người bệnh quá. Chỉ một nụ cười thôi mà khó khăn, thiếu quá. Có người nói với tôi, em tiêm truyền cả ngày, mệt rũ người còn cười gì nữa. Tôi cho rằng nói vậy không đúng. Cùng là tiêm, nhưng nếu mình có lời nói động viên người bệnh, cái động tác tiêm của mình nhẹ nhàng, khi rút kim ra đừng rút mạnh một cái mà hãy đè cái bông vào vị trí mũi kim, giữ lại từ từ rút ra... có phải đỡ đau đớn hơn không", GS Trí bày tỏ.
Để đạt mụt tiêu này, Bộ Y tế sẽ tổ chức thêm 9 buổi tập huấn về giao tiếp, ứng xử cho cán bộ chủ chốt của các bệnh viện trong thời gian tới.

Hồng Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét